Compliance – Sự phục tùng

Compliance là một trong những bộ phim được xây dựng từ một sự kiện có thật, tốt, rất tốt. Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá thể loại phim này. Một cách phổ thông đó là mô tả lại sự thật sinh động, sâu sắc, thậm chí là đưa ra những lý giải vượt lên trên cả sự kiện. Và bộ phim này có đủ những yếu tố đó.

compalience
Một cảnh trong phim Compliance (2012)

Sự kiện có thật vào năm 2004, tại cửa hàng ăn nhanh McDonald (Kentucky), nhân viên quản lý đã nhận được cú điện thoại của một sỹ quan cảnh sát phát giác một cô phục vụ quầy 18 tuổi đã ăn cắp ví của khách hàng. Viên sỹ quan này cho biết đang làm việc với nạn nhân (người bị lấy cắp ví) và bà ta đã tố cáo một trong các cô phục vụ tại cửa hàng (với ngoại hình khá cụ thể). Bà quản lý được yêu cầu kiểm tra cô phục vụ đó. Sự việc tưởng chừng như được làm rõ khi cô gái bị lột truồng mà vẫn không tìm ra vật chứng.

Nhưng không, cô gái này vẫn bị viên sỹ quan kết tội ăn cắp, bị nhốt trong phòng, bị canh giữ (bởi chồng sắp cưới của bà quản lý.) Trong căn phòng này, cô gái đã bị lạm dụng bởi 2 người: viên sỹ quan kẻ điều khiển vị finance làm nhục cô gái.

Một câu chuyện lố bịch từ đầu đến cuối, đặc biệt ngay trên nước Mỹ, nhưng đó là 1 trong số 70 vụ án tương tự, trong đó người bị hại là nạn nhân của những cú điện thoại “nhân danh” – người bên kia đầu dây tự xưng là cảnh sát, giám đốc bla bla

Nếu theo dõi vụ án, hầu như tất cả đều nhận ra, người bị hại là nạn nhân của một sự ngu ngốc, cả tin nào đó, khi chấp hành mệnh lệnh từ một kẻ xướng danh quyền lực. Và đạo diễn Craig Zobel đã làm tốt công việc của mình: giải mã ý nghĩa của chữ Compliance (tạm dịch là sự phục tùng).

Bộ phim giữ được 90% các tình tiết trong sự kiện, bối cảnh quay chỉ diễn ra trong một nhà hàng ăn nhỏ và người xem được chứng kiến các góc độ, diễn biến của nhân vật trong phim rồi nhanh chóng bị cuốn theo diễn biến sự việc.
Nhưng tôi sẽ không đi nhiều vào nội dung. Chẳng qua chỉ làm cái cớ để cùng đạo diễn giải mã “sự phục tùng” mà thôi.

– Trong lớp nghĩa Compliance vào Tk-13 có mang một sắc thái tích cực mô tả một trạng thái hòa hợp (trong điệu nhảy, điệu nhạc) và sau khoảng 200 năm, từ này thêm một sắc thái khác: sự xun xoe, khúm núm [obsequiosus]

– Trong ý nghĩa có tính tiêu cực của Compliance, sự phục tùng này bao hàm một số tình thái cụ thể:
+ Bị mắc bẫy
+ Không còn lựa chọn
+ Chấp thuận hoàn cảnh

Ba trạng thái này đều hiện diện đầy đủ trong bộ phim.

Vậy điều gì khiến bạn phục tùng? Hẳn là sự hiện diện của “quyền lực” “người được trao quyền lực”?
Nếu quyền lực hiện diện cụ thể như một vị tổng thống trên truyền hình chẳng hạn, người ta sẽ không rơi vào trạng thái phục tùng một cái tivi. Nhưng có thứ vô hình trong một đền đài nguy nga sừng sững lại mang đến cho ta một trạng thái phục tùng (dường như một cái cột, một bức tượng vô tri không mang đến sự phục tục đó). Hoặc dẫu khi ta đối mặt trực tiếp với một vị tổng thống, một giáo chủ, một vị lãnh đạo quyền lực, thì có vẻ như, sự phục tùng bị kích phát bởi một sức mạnh vô hình chứ không đơn thuẩn từ dáng vóc, quần áo hay số vệ sỹ đứng xung quanh họ.

Như vậy, hẳn là có một sự phục tùng nằm trong cái sọ não chúng ta. Tạm cho là, chúng đến từ:
+ Giáo dục gia đình
+ Huấn luyện nhà trường
+ Các mặc định từ toàn thể xã hội

Yếu tố giáo dục gia đình có xuất hiện trong nạn nhân vụ McDonald. Cô gái phục vụ không chỉ ngây thơ (18 tuổi) trong nỗi sợ hãi (sự hiện diện vô hình của ngài cảnh sát) mà sự kháng cự của cô (khi bị yêu cầu cởi bỏ quần áo) hầu như không có, bởi, bố mẹ cô dạy rằng, là con gái nên nghe lời người lớn (cấp trên, người hơn tuổi, sỹ quan cảnh sát). Bởi điều đó thường đúng và dẫn đến điều tốt hơn xấu.

Không chỉ cô gái đó, bà quản lý, vị hôn phu, dù cả 2 đều ở tuổi 40 cũng có một trạng thái phục tùng khác. Chúng đến từ một khái niệm vô hình: sỹ quan cảnh sát là đại diện của luật pháp => mọi yêu cầu của anh ta đều đúng.

Sự phục tùng còn diễn ra ở những khia cạnh nhỏ hơn nữa mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đối mặt, đều trở thành “nạn nhân” của nó. Ở cấp độ nhẹ nhất mà sự phục tùng tác động đến vật chủ của nó: suy giảm khả năng truy vấn bản thân.

Chúng ta phục tùng:
+ mọi thông tin từ một tờ báo một đài truyền hình danh tiếng phát ra (vì uy tín, vì sự đông đúc của hệ thống…)
+ phục tùng lời giáo huấn đạo đức từ một Giáo sư Toán (cũng vì sự danh tiếng, vì uy tín của một cá nhân có kiến thức)
Ở cấp cao hơn của sự phục tùng, nghĩa tích cực và tiêu cực ngày càng sát lại gần nhau thành một dạng thỏa thuận:
+ tôi phục tùng chính phủ để được hưởng sự an toàn của nó
+ tôi phục tùng sỹ quan cảnh sát vì anh ta có “quyền” làm thế
Khi quá trình tự vấn, tự phản tỉnh, tự đặt câu hỏi bị dập tắt thì sự phục tùng sẽ chuyển sang thang bậc cuối cùng: cái bẫy.

Và chúng ta mỗi khi ra đường, bật tivi, chắp tay cầu nguyền, nhận lời khuyên bảo, nhận nhiệp vụ trong công việc đều phải đối mặt với nó.

Zoombie trong điện ảnh – đám đông trung lưu tha hóa

Tôi đã từng bình luận khá kỹ (trên facebook) về những phim zombie trong vòng 5 năm đổ lại đây và vẫn chỉ xoay quanh làm rõ concept zombie trong điện ảnh và cách các đạo diễn phát triển chúng thành những idea với muôn hình vạn trạng. Giờ chỉ tóm lược lại tiến trình zombie đi từ văn hóa tới điện ảnh theo các bước sau:

– Từ những lời nguyền voodoo của người da đen về những kẻ mất các linh hồn (bộ tộc, gia đình, và thiên nhiên), nhưng thây ma chỉ là công cụ của những kẻ xấu (phù thủy). Đây là lớp văn hóa nguyên thủy về linh hồn vạn vật cũng như sự ràng buộc của con người. Nhưng trong nó vẫn là một trục xuyên suốt: con người – gia đình – bộ tộc. Bị cắt đứt liên hệ, họ là những thây sống.

– Zombie trong năm 60 đầu thế kỷ 20 là những nguyên mẫu hiện đại về sự thoa hóa của con người khi mất đi linh hồn bộ tộc, cắt đứt cội rễ vói gia đình và trở thành linh kiện của guồng máy tiêu dùng. Lõi concept này tiến sâu vào tầng lớp trung lưu.

– Trong 10 năm trở lại đây, zombie còn đại diện cho các đồ hộp đóng sẵn trong siêu thị, đại diện cho pop art và lấy cảm hứng sâu sắc của con người tha hóa trong Kafka.

– Zombie trong World war Z cũng không nằm ngoài trào lưu này ngoài một số idea được thay đổi như chính đạo diễn Marc Forster chia sẻ trên tạp chí Film Journal International:

+ tốc độ của xã hội tiêu dùng tăng lên (so với những năm 90) và tốc độ trong zombie của ông cũng khác với những thây sống chậm ì trước kia. Và điều này chúng ta có thể thấy rõ hơn trong phim Im Legend. Ý thứ 2 quan trọng hơn. Đó là

+ mô hình của bầy đàn (điều mà đạo diễn thể hiện rõ trong phần intro đầu phim, đặc biệt là đàn kiến).

Hình ảnh những xác sống phá vỡ bức tường thiêng liêng tạo ra nhiều cảm xúc khác biệt. Trước đó, người ta thấy, người Israel, Palestine đã nắm tay nhau ca hát, tạo nên một cảm giác yên bình (tạm bợ). Nhưng cũng phải nói đến bức tường Berlin cũng đã từng bị đạp đổ bởi kỷ nguyên của tiếng nói thị dân trung lưu cũng như sự sụp đổ của những thể chế cắn cỗi.
Một cảnh trong World War Z. Hình ảnh những xác sống phá vỡ bức tường thiêng liêng tạo ra nhiều cảm xúc khác biệt. Trước đó, người ta thấy, người Israel, Palestine đã nắm tay nhau ca hát, tạo nên một cảm giác yên bình (tạm bợ). Nhưng cũng phải nói đến bức tường Berlin cũng đã từng bị đạp đổ bởi kỷ nguyên của tiếng nói thị dân trung lưu cũng như sự sụp đổ của những thể chế cắn cỗi.

Tôi cho rằng, Marc Forster đã tạo ra một bộ khung hoàn thiện cho Zombie và trong đây để phân tích kỹ hơn về bộ khung này, ta buộc phải lùi lại khoảng 100 năm để tìm hiểu ngọn nguồn về “cái tạo ra zombie” bằng Lý thuyết tâm lý đám đông của Gustave Lebon. Trong đó nếu đặt các đặc trưng cơ bản của “tâm lý đám đông” và hành động của zombie trong World War Z có những điểm tương đồng sau:

– một tập thể bị thống trị bởi vô thức
– chỉ hoạt động khi bị kích thích bởi một tác nhân bên ngoài (như trong phim là âm thanh).
– năng lượng của đám đông là tàn phá
– tâm hồn của đám đông là không có trí tuệ.
– hành động của đám đông có tính lây lan (như virus dại trong phim)
– và cuối cùng, thời đại của đám đông là khi các niềm tin cổ xưa sụp đổ, giá trị của tư tưởng trở nên vô nghĩa và sự lên ngôi của giai cấp trung lưu…

Đây chỉ là một vài gợi ý để chúng ta tiếp cận và nghiên cứu về tâm lý đám đông và biết đấu có thể nhìn thấu được động cơ tạo nên những đám đông điện loạn đang hiện diện tại Việt Nam. Hay như theo quan điểm cá nhân của tôi, những đám đông giết cẩu tặc chính là hình tượng nguyên mẫu của World War Z.

Một số ý tưởng khác về zombie trong Warm bodies, Resident Evil

Nếu chỉ xem trailer, thoạt nghĩ Warm Bodies sẽ là bộ phim từa tựa như series Twilight khi dàn diễn viên cũng không khác là mấy, tuy nhiên, hóa ra, thú vị hơn hẳn. Một trong những lý do tôi đánh giá phim này cao hơn Twilght là Warm Bodies triển khai được rất nhuần nhuyễn biểu tượng zombie, trong khi Twilght rơi vào sự sáo rỗng của biểu tượng ma cà rồng.
a2_zombie
Tôi đã từng so sánh 2 biểu tượng này trong một loạt phim trước đó, và gần đây nhất là zombie trong sesires Resident Evil, ma cà rồng trong phim hoạt hình Transylvania Hotel. Hai trục biểu tượng này chạy xuyên suốt trong điện ảnh Hollwood trong 20 năm qua và tiếp biến vào những chuyển biến trong cơ tầng xã hội tư bản, điều tạo nên một thứ giải trí sâu hơn là các màn cười khóc, cháy nổ, rùng rợn mà cả zombie và ma cà rồng mang lại.

Vậy có gì mới trong Warm Bodies. Không có gì mới. Ngoài 2 chi tiết rất thú vị có trong phim này, mà trước khi xem ta không thể bỏ qua 2 sản phẩm điện ảnh – kịch nghệ cần xem trước để đối chiếu:

– The Terminal
– Romeo và Juliet.

Việc liên quan đến Romeo và Juliet là điều đương nhiên bởi đây là chủ đích của Isaac Marion tác giả cuốn tiểu thuyết cùng tên với bộ phim (nhân vật chính của chúng ta là R và Julie). Nếu ai đã từng thích Shakespeare và hiểu sâu tác phẩm đến mức nào tự khắc sẽ phát hiện ra một số chi tiết giải trí tương ứng đến đó.

Nhưng Warm Bodies liên quan gì đến The Terminal?

Sân bay - nơi chúng ta tưởng chừng như gặp nhau nhưng thực ra, nó là một phiên bản đổ vỡ của những quảng trưởng lạnh lẽo!
Sân bay – nơi chúng ta tưởng chừng như gặp nhau nhưng thực ra, nó là một phiên bản đổ vỡ của những quảng trưởng lạnh lẽo!

The Terminal được làm năm 2004, bối cảnh là một nhóm người bị kẹt tại sân bay New York, trong đó có 1 người Đông Âu (Tom Hanks thủ vai) hoàn cảnh éo le nhất và có tinh thần đấu tranh cao nhất, đã thoát khỏi chiếc sân bay này.

Sự mắc kẹt là một trong ý tưởng chính được phát triển trong The Terminal và đó cũng là khởi điểm của Warm Bodies – một nhóm zombie trú ấn tại một sân bay, thi thoảng mới vào thành phố ăn não người.

Sân bay, nhà ga, bến tàu luôn là cảm hứng bất tận của điện ảnh. Đây dường như là nơi duy nhất con người có chung một cái gì đó từa tựa một chuyến đi, một hành trình, nhưng đây cũng là nơi họ không có gì liên quan với nhau khi bước ra khỏi nhà ga.

Zombie là một biểu tượng gần gũi của thị dân (trong khi ma cà rồng là biểu tượng của tầng lớp chóp bu). Quá trình tha hóa của con người khi bước vào kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu được Kafka tri nhận sâu sắc trong văn học, và bùng nổ trong điện ảnh. Cột mốc gần nhất là Resident Evil – khi con người được sản xuất hàng loạt thì tình thế của họ còn tồi tệ hơn cả zombie – một chuỗi sản phẩm lỗi nhiễm độc hóa học, đưa con rơi của cách mạng biến đổi gene hay nạn nhân của một chiến tranh virus. Ở một khía cạnh khác, con người trong Warm Bodies trước khi trở thành zombie đã có biểu hiện vô cảm của một xác sống: luôn nhìn vào màn hình smartphone, giao tiếp qua cây rút tiền và màn hình vi tính.

Warm Bodies vẫn chỉ là một câu chuyện sến cho thanh niên, nhưng cũng phải điểm qua 3 cột mốc đưa R (nhân vật nam trong ảnh) trở lại thành người: luôn truy vấn nội tâm, yêu, tự nhận ra lỗi lầm, tự ghê tởm với lỗi lầm, và sự hi sinh. Đây cũng là một điểm mạnh hơn hẳn Twilight.

Trong khi đó, Resident Evil lại là dẫn chứng cho sự tha hóa của con người khi các cá tính/bản sắc bị sản xuất hàng loạt

a4_zombie

Từ ma cà rồng đến zombie và quá trình sản xuất hàng loạt ‘cá tính’

Trước tiên, không nên xem Resident Evil Retribution bởi nó chán, tệ và quá sáo mòn, chưa kể là bị cắt thảm hại trong rạp VN (chí ít đó là những gì thuộc về trải nghiệm cá nhân của tôi)

Tuy nhiên, trong tất cả những thứ nhàm chán đó, ta vẫn có thú vui đi tìm bằng chứng về những bài học lý thuyết trong quy trình xây dựng lõi concept cho 1 series phim.

Cách đây vài hôm, tôi đã đầ cập đến concept ‘vampire’ – ma cà rồng, quá trình điện ảnh hấp thụ từ những tích truyện ly kỳ để trở thành biểu tượng của tầng lớp chóp bu tư bản với những tính năng cơ bản: sự lấp lánh (của kim cương), sự bất tử (của vàng) và hút máu (người lao động và những kẻ ngây thơ). Ta có thể mổ xẻ trong 2 bộ phim gần đây Abraham Lincoln săn mà cà rồng và Dark Shadow để thấy rõ hơn các ý trên.

Zombie có lịch sử mới được tầm 100 năm, từ những câu chuyện ma quỷ voodoo của người Haiti (theo khảo sát của Nick Pearce, một nhà xã hội học và nhân chủng học tại Đại học Durham – Vương quốc Anh). Zombie là sản phẩm của những phù thủy dùng phép thuật tạo ra những thây ma không có linh hồn. Ở đây, linh hồn theo cách hiểu của người châu Phi là: con người có 3 loại linh hồn: linh hồn dành cho thế giới (có một số tính chất giống đại ngã), linh hồn thị tộc (bản ngã xã hội) và linh hồn Tên (bản ngã tiềm thức). Bằng phép thuật, phủ thủy sẽ cắt đứt mối liên hệ giữa các linh hồn. Con người không còn liên hệ với gia đình, xã hội, với thế giới, họ sẽ trở thành những thây ma – công cụ cho mục đích xấu của phù thủy.

Tất nhiên, một biểu tượng sinh động như vậy không bao giờ thoát khỏi bộ máy Hollywood. Năm 1929, cuốn tiểu thuyết Magic Island giới thiệu khái niệm Zombie cho người Mỹ. Năm 1932, bộ phim White Zombie ra đời.

Nếu ma cà rồng sinh ra từ môi trường quý tộc thì Zombie lại sinh ra từ tầng lớp thị dân, nghèo, tù túng và bị ruồng bỏ, bị cắt đứt.

Vết cắt xã hội này đi xuyên suốt chiều dài điện ảnh kinh dị.

Cho đến khi du nhập vào Resident Evil, biểu tượng này được nâng cấp với chủ nghĩa tiêu dùng.

Chủ nghĩa tiêu dùng sản sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra các sản phẩm hàng loạt. Điện ảnh tái hiện bằng những bộ phim robot tiêu diết con người. Sau đó con người tự sản xuất ra mình, điện ảnh khai thác tiếp những nhân bản vô tính đòi quyền sống. Và bộ phim Resident Evil là đi đến kịch điểm của thế loại này.

 

Đó là quảng cáo

Con người trở thành sản phẩm hàng loạt, món hàng công nghiệp, không chỉ thể xác mà còn bản sắc - tưởng như vô hình những không phải thế.
Con người trở thành sản phẩm hàng loạt, món hàng công nghiệp, không chỉ thể xác mà còn bản sắc – tưởng như vô hình những không phải thế.

Nếu có ai đang quan tâm đến những vấn đề nòng cốt, nền tảng của quảng cáo phương Tây, bệ đỡ là nền công nghiệp tiêu dùng và cả một hệ thống lý luận đằng sau nó, thì bộ phim này có thể là một trong các ví dụ sinh đông.

Theo nghĩa đen đây là một bộ phim quảng cáo dài 2 tiếng

Theo nghĩa bóng, đây là một bộ phim sử dụng một cú pháp cơ bản, cổ điển của quảng cáo: Bạn là đặc biệt, duy nhất (Alice) nhưng chúng tôi (nhà sản xuất, tập đoàn) là người tạo ra bạn (hàng loạt, có công thức, dây chuyền). Chúng tôi xin khẳng định một lần nữa, bạn là số “1”

Khởi đầu của Resident Evil: Retribution cũng là 1 bộ phim quảng cáo với form mẫu người đàn bà trong mơ mà phương Tây đã xây dựng: trong một cái bếp tiện nghi, với đủ các thiết bị giải phóng người phụ nữ ra khỏi công việc vặt. Chỉ có điều giấc mơ của Alice chỉ là một sản phẩm kỹ thuật sô và buộc cô ta phải thức tỉnh.

Đằng sau tất cả những màn đánh đấm man rợ, với một lũ zombie – sản phẩm “thị dân out date”, dạng hàng tồn nhiễm độc hóa chất, Alice rơi vào xứ sở thần tiên, chứng kiến nhân dạng của cô ta bị sản xuất hàng loạt.

Sự sản xuất hàng loạt của nhân dạng là đề tài ăn khách của Hollywood trong hơn 10 năm đổ lại đây mà ta có thể đánh dấu cột mốc là con cừu Doly đầu tiên được nhân bản vô tính.

Tiền thân của nhân bản vô tính trong điện ảnh là, tôi tạm gọi là, nhân bản cơ tính. Đó là những con robot từ vị trí nô lệ, phục tùng bắt đầu được Hollywood thổi bóng ma vào cỗ máy, cố tình chơi với hệ nhị nguyên của khoa học. Kết cuộc của hầu hết những bộ phim dòng này đều là một câu hỏi mở: bản ngã bạn ở đâu, nếu có một cỗ máy hoàn hảo giống hệt bản. Dấu chấm than tuyệt đẹp cho dòng phim này, tôi bình chọn chính là Real Steel.

Real Steel, đương nhiên, không còn là sản phẩm giải trí, khi nó một lần nữa khẳng định lại: cỗ máy vẫn là cỗ máy. Tuy nhiên, nhân dạng của bạn và cỗ máy lại là một hệ quy chiếu tương thuộc. Đây chính là điều mà chưa bộ phim robot nào là được trước Real Steel. Nói chung, có ăn học thì làm phim cứ sẽ tốt dần lên :))

Quay trở lại Resident Evil, những cỗ máy cơ khí hầu như không tồn tại, mà tại đây, là những con người hoàn thiện. Lại nhớ, cái thời phim anh Arnold đóng hai vai, trong đó có người nhân bản vô tính khiến người ta thích mê đi, thì giờ đây, Alice là những con số vô hạn…